Hạn mức tín dụng là gì và nên yêu cầu hạn mức thẻ tín dụng bao nhiêu?

  • 24/12/2018

Nội dung bài viết này sẽ giải đáp thắc mắc mà nhiều bạn gặp khi sử dụng thẻ tín dụng. Đó là hạn mức tín dụng là gì? Ngân hàng tính hạn mức tín dụng này như thế nào và bạn nên yêu cầu hạn mức tín dụng bao nhiêu khi có nhu cầu mở thẻ tín dụng.

Hạn mức tín dụng là gì?

Hạn mức tín dụng có thể hiểu nôm na là hạn mức tối đa ngân hàng có thể cho bạn vay. Trong trường hợp của thẻ tín dụng thì hạn mức tín dụng là mức tiền tối đa mà ngân hàng cấp cho thẻ tín dụng của bạn. Bạn có thể chi tiêu (quẹt thẻ, thanh toán online) với thẻ tín dụng tối đa trong một kỳ sao kê lên tới hạn mức này.

Ví dụ: Hạn mức tín dụng là gì? Mình có một thẻ tín dụng Vietcombank có hạn mức tín dụng là 25 triệu đồng. Như vậy có nghĩa là trong mỗi kỳ sao kê mình có thể dùng thẻ thanh toán hóa đơn, mua sắm...với tổng số tiền tối đa là 25 triệu đồng. Đến hạn thanh toán của kỳ sao kê mình sẽ phải thanh toán toàn bộ số tiền mình đã chi tiêu. Sau đó sang kỳ sau, hạn mức tín dụng của thẻ tín dụng của mình sẽ lại trở về con số 25 triệu.

Hạn mức tín dụng là gì?

Hạn mức tín dụng là gì?

Hạn mức tín dụng này có vai trò giới hạn tối đa giá trị giao dịch của thẻ trong mỗi kỳ sao kê và mỗi lần giao dịch. Nếu hạn mức thẻ tín dụng của bạn chỉ 25 triệu thì dĩ nhiên bạn không thẻ dùng thẻ này để thanh toán cho giao dịch mua xe máy trả góp mà giá trị xe lên tới 50 triệu đồng được. Nếu bạn muốn thực hiện giao dịch này, bạn sẽ phải nạp vào thẻ 25 triệu để thẻ có đủ tiền cho giao dịch vượt hạn mức tín dụng này.

Lưu ý: Đôi khi hạn mức tín dụng này chỉ mang tính chất tương đối. Một số ngân hàng tuy quy định hạn mức tín dụng cho thẻ của bạn (ví dụ là 25 triệu) nhưng bạn vẫn có thể quẹt thẻ, thực hiện giao dịch với số tiền lớn hơn hạn mức này. Ví dụ cách đây 7 năm mình dùng thẻ HSBC thì thấy là có thể quẹt thẻ vượt hạn mức được. Và sau một vài lần mình quẹt vượt hạn mức thì HSBC còn tự động tăng hạn mức thẻ tín dụng của mình lên thêm nữa. Hiện nay, việc quẹt thẻ vượt hạn mức này có thể sẽ phát sinh phí quẹt thẻ vượt hạn mức.

Thẻ tín dụng HSBC mình từng quẹt vượt hạn mức tín dụng

Thẻ tín dụng HSBC mình từng quẹt vượt hạn mức tín dụng

Ngân hàng dựa vào đâu để cấp hạn mức tín dụng?

Hạn mức tín dụng của Credit card được quyết định bởi ngân hàng phát hành thẻ. Nó được quyết định dựa trên các thông tin đã xác minh về thu nhập thường xuyên của bạn, mức ổn định của các nguồn thu nhập này. Hạn mức tín dụng cũng có thể dựa trên tài sản đảm bảo. Ví dụ mình từng thấy ngân hàng VIB chấp nhận mở thẻ tín dụng với hạn mức bằng 90% giá trị sổ tiền gửi tiết kiệm mà bạn có.

Với hình thức mở thẻ tín dụng theo lương thì ngân hàng thường dựa vào mức lương và yêu cầu của bạn. Các ngân hàng thường sẵn sàng cung cấp một hạn mức tín dụng từ 2-3 tháng lương. Đặc biệt, nếu lương bạn càng cao thì ngân hàng sẽ càng sẵn sàng cấp hạn mức tín dụng cao hơn.

Ngoài việc đáng giá năng lực tài chính thì ngân hàng còn dựa vào dòng thẻ tín dụng mà bạn mở để cấp hạn mức. Với thẻ tín dụng có phí thường niên càng cao thì ngân hàng càng sẵn sàng cấp hạn mức tín dụng cao hơn. Ví dụ lương của bạn là 20 triệu/tháng, đủ điều kiện mở các dòng thẻ Gold, Platium...Nhưng nếu bạn chỉ mở thẻ tín dụng hạng Gold thì hạn mức tín dụng sẽ bị giới hạn tối đa bởi hạng thẻ Gold.

Nên yêu cầu hạn mức tín dụng bao nhiêu khi mở thẻ?

Hạn mức tín dụng là khoản vay (thường là tín chấp) mà ngân hàng cấp cho chủ thẻ. Vì vậy theo quan điểm cá nhân của mình thì bạn càng yêu cầu được hạn mức cao thì càng tốt. Với hạn mức cao thì bạn sẽ càng thoải mái hơn trong việc chi tiêu. Mình từng đặt mua một cái xe máy online và thanh toán trả góp 0% bằng thẻ tín dụng. Tuy nhiên, vì hạn mức thẻ của mình ít hơn giá trị xe nên mình đã phải nạp tiền vào thẻ.

Như vậy, nếu hạn mức thẻ tín dụng của mình cao hơn thì mình đã có được nhiều lợi ích hơn từ ưu đãi trả góp 0% lãi suất này rồi. Dĩ nhiên, hạn mức tín dụng quá cao cũng có nhược điểm của nó mà bạn sẽ cần phải chú ý.

Đầu tiên là hạn mức cao nghĩa là bạn có thể chi tiêu nhiều, rất nhiều. Nếu bạn không kiểm soát tốt việc chi tiêu thì có thể thẻ tín dụng sẽ sớm trở thành gánh nợ khiến bạn suốt ngày phải lo đi trả nợ.

Nếu kiểm soát chi tiêu không tốt bạn sẽ đau đầu mỗi khi tới kỳ sao kê

Nếu kiểm soát chi tiêu không tốt bạn sẽ đau đầu mỗi khi tới kỳ sao kê

Rủi ro thứ hai là trong trường hợp thông tin thẻ tín dụng của bạn bị lấy cắp, đánh rơi thẻ...thì số tiền bạn mất cũng có thể sẽ lớn. Kẻ xấu sẽ luôn tìm cách quẹt hết hạn mức thẻ của bạn nếu thẻ của bạn bị đánh cắp. Dĩ nhiên vẫn có cách hạn chế rủi ro này là ngay khi phát hiện ra mình mất thẻ bạn cần khóa thẻ ngay (qua internet banking), hoặc gọi điện tới Hotline của ngân hàng.

Muốn tăng hạn mức thẻ tín dụng thì làm thế nào?

Tuỳ theo ngân hàng mà thủ tục tăng, giảm hạn mức tín dụng sẽ khác nhau. Tuy nhiên nhìn chung, khi bạn có yêu cầu điều chỉnh hạn mức tín dụng, ngân hàng đó sẽ xem xét lịch sử tín dụng cũng như các cơ sở thu nhập của bạn để cân nhắc.

Bạn sẽ cần nộp đơn yêu cầu ngân hàng gia tăng hạn mức tín dụng, kèm theo đó là các giấy tờ chứng minh thu nhập nếu như ngân hàng yêu cầu. Các giấy tờ đó thường là bản sao hợp đồng lao động gần nhất hoặc sao kê lương có xác nhận của ngân hàng trong 3 tháng gần nhất. Nếu thẻ tín dụng của bạn được phát hành theo hình thức kí quỹ, bạn sẽ chỉ cần đóng thêm tiền ký quỹ và nộp mẫu đơn tăng hạn mức với ngân hàng.

Ngoài ra, không ít ngân hàng hiện nay còn hỗ trợ khách hàng gia tăng hạn mức thẻ khi có nhu cầu đột xuất, ví dụ như khi bạn cần tiền gấp bội để đi du lịch. Hạn mức này sẽ tăng lên trong ngắn hạn và sau đó trở về như cũ. Các yêu cầu này thì chỉ mang tính chất ngắn hạn và rất dễ được ngân hàng chấp thuận.

Có rút tiền mặt được hết hạn mức tín dụng?

Thẻ tín dụng cho phép chủ thẻ rút tiền mặt tại máy ATM (với phí rất cao), hoặc rút tiền mặt thẻ tín dụng qua POS. Tuy nhiên, các ngân hàng không khuyến khích giao dịch rút tiền mặt. Do đó mà thông thường bạn chỉ được phép rút số tiền mặt qua ATM tối đa bằng 50%-70% hạn mức thẻ. Chỉ một số ít ngân hàng cho phép khách hàng rút nhiều hơn con số này, ví dụ như JCB Motor Card của Sacombank cho phép đến 80% hạn mức thẻ.

Ngân hàng xem việc rút tiền mặt từ thẻ tín dụng là “ứng tiền mặt” cho khách hàng. Do đó bạn sẽ phải trả phí ứng tiền – thường là khoảng 4% giá trị tiền mặt trong mỗi giao dịch tại máy ATM của ngân hàng. Nếu rút tiền tại máy ATM của các ngân hàng khác nằm trong liên kết, có thể bạn sẽ còn phải chịu thêm phí xử lý giao dịch từ ngân hàng đó. Ngoài ra, mỗi khoản tiền mặt mà ngân hàng tạm ứng cho bạn đều sẽ bị tính lãi suất ngay lập tức, tính từ ngày rút tiền cho đến khi các khoản nợ được thanh toán hết.

Rút tiền thẻ tín dụng qua các máy POS và sử dụng dịch vụ của các bên thứ 3 có phí thấp hơn nhưng là những giao dịch lách luật và cũng tiềm ẩn rủi ro thông tin thẻ sẽ bị lấy cắp.

Hạn mức thẻ tín dụng càng cao càng tốt

Hạn mức thẻ tín dụng thực ra chính là một khoản mà ngân hàng luôn sẵn sàng cho bạn vay không lãi suất (tối đa lên tới 45-55 ngày). Khoản vay này luôn luôn có mặt 24/7 bất cứ khi nào bạn cần. Chính vì vậy, quan điểm cá nhân của mình với vấn đề này rất rõ ràng. Hạn mức tín dụng càng cao thì càng tốt. Với người đi vay mà không phải tính lãi thì dĩ nhiên vay được càng nhiều thì càng tốt rồi chứ còn gì nữa. Hy vọng thông tin như vậy đã giúp bạn hiểu rõ hạn mức tín dụng là gì và giúp bạn lựa chọn hạn mức phù hợp cho thẻ tín dụng của mình.

0 0 Đánh giá
Article Rating
Subscribe
Notify of
0 Comments
Inline Feedbacks
Xem toàn bộ bình luận